Friday, September 23, 2016

Hồ Sơ Giải Mật Toán Cố Vấn 158 Nha Kỹ Thuật / Cuộc Chiến Bí Mật Chống Hà Nội 1972-1973



LỜI GIỚI THIỆU
Đây là một phần trong quân sử, những cố gắng của Hoa Kỳ ở Việt Nam Cộng Hòa. Việc giải tán đơn vị SOG (Special Operations Group), thành lập toán cố vấn STDAT-158 (Strategic Technical Directorate  cho Nha Kỹ Thuật, đánh dấu sự chuyển tiếp các hoạt động, hành quân xâm nhập, thâu thập tin tức tình báo chiến lược của đơn vị SOG sang giai đoạn cố vấn cho Nha Kỹ Thuật (STDAT). Toán cố vấn này phải làm việc gấp rút đua với thời gian vì cũng sẽ bị giải tán sau đó. Họ phải tận lực giúp Nha Kỹ Thuật có thể tự túc đảm nhận nhiệm vụ Quân Lực VNCH trao phó.
Dưới áp lực trận tấn công Mùa Hè Đỏ Lửa tháng Tư năm 1972, toán cố vấn STDAT cũng phải giảm bớt nhân viên, quân số theo sự gia tăng chương trình Việt Nam Hóa. Nha Kỹ Thuật phải tiếp thu sự độc lập, đảm nhận hoàn toàn vai trò điều hành các hoạt động của đơn vị chống lại sự xâm lăng của quân đội Bắc Việt.
Theo chân các cố vấn STDAT ở Quản Lợi (CCS, Bộ Chỉ Huy phương Nam), Kontum (CCC, Bộ Chỉ Huy Trung), và Huế (CCN, Bộ Chỉ Huy phương Bắc), cùng với các quân nhân Nha Kỹ Thuật (Lôi Hổ) đã góp phần trong việc chống lại sự tấn công của quân đội Bắc Việt, và tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong phi vụ Echo, Mike Two, tôi cùng với các quân nhân trong ban chỉ huy ngả nón chào.

Robert W. Hill
Đại Tá, Hoa Kỳ
Chỉ Huy Trưởng/Cố Vấn Trưởng

TƯỞNG NIỆM
Tập tài liệu về Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật STDAT-158 dành riêng tưởng niệm các chiến hữu đã hy sinh trong phi vụ Echo Mike Two, bị nạn gần Pleiku, Việt Nam Cộng Hòa ngày 5 tháng Sáu năm 1972.
Trung Tá RONNIE A. MENDOZA, USA                MEDTC
Trung Tá ANDREW F. UNDERWOOD, USA        LSAD
Thiếu Tá CALVIN T. GORE, USA                           GP-11AE
Thiếu Tá NICOLAS QUINONES-BORRAS, USA SURGEON (Bác Sĩ)
Đại Úy     CHARLIE L. FLOTT, USA                      TF2AE
Đại Úy    JAMES F. HOLLIS, USA                         STDAT-30
Đại Úy    WALTER S. MULLEN, USA                   LSAD
Trung Úy AMDEE CHAPMAN, Jr., USA                TF2AE
Trung Sĩ Nhất THOMAS M. LEJEUNE, USA         LSAD
Trung Sĩ   KENNETH L. BARNETT, USA              TF1AE
Trung Sĩ   MICHAEL L. HUTSON, USA                LSAD
(MEDTC: Medical Equipment Delivery Team, Cambodia)

LỜI CẢM TẠ
Tập tài liệu này được Thiếu Tá D.H. Campbell, USA góp lại, biên soạn với sự trợ giúp của Thiếu Tá M.E. Ekman, USA, Đại Úy H. A. Lawson, USA và S.H. Baily, USA. Sự cố vấn, khuyến khích của hai vị Chỉ Huy Trưởng/Cố Vấn Trưởng kế tiếp nhau đã làm cho tập tài liệu này được hoàn thiện.
D.H.C.

CÁC NHÂN VIÊN CHÍNH YẾU
VAI TRÒ (nhiệm vụ)                         THỜI GIAN               NHÂN VIÊN
1. Chỉ Huy/Cố Vấn Trưởng 1/5/72 – 30/11/72     Đ/Tá D.R. Preston, USA
                                           1/12/72 – 12/3/73        Đ/Tá R.W. Hill, USA
a. Chỉ Huy Phó/Cố Vấn Phó   /5/72 – 30/11/72        Đ/Tá R.W. Hill, USA
b. Sĩ Quan Điều Hành (Hành Quân)1/5/72 – 2/9/72 Tr/Tá W.E. Allen, USA
                                   3/9/72 – 30/11/72        Tr/Tá W.E. Whelan, USA
                                        1/12/72 – 12/3/73        Th/Tá R.B. Cole, USA
c. Phụ Tá Đặc Biệt                 1/5/72 – 12/3/73          Ông G.D. French
d. Sĩ Quan Tiếp Vận (Yểm Trợ) 1/5/72 – 14/11/72   Đ/Úy J.L. Keys, USA
e. Trung Sĩ Trưởng (Thường Vụ)1/5/72 – 4/8/72  r/Sĩ Nhất A.W. Akridge,
                                      9/9/72 – 23/10/72     Tr/Sĩ Nhất J. Pearce, USA
2. Trưởng Phòng Nhân Viên  1/5/72 – 23/11/72   Th/Tá A.L. Hittner, USA
3. Trưởng Phòng Tình Báo (2) 1/5/72 – 18/11/72 Th/Tá R.S. Mason, USA
                                        19/11/72 – 4/3/73        Th/Tá W.P. Lang, USA
4. Cố Vấn Trưởng (HQ/HL)     1/5/72 – 18/8/72   Tr/Tá M.K. Patton, USA
                                  19/8/72 – 30/11/72      Th/Tá B.E. Dishman, USA
5. Cố Vấn Trưởng (HQ/TB)     1/12/72 – 4/3/73    Tr/Tá C. Johnson, USA
a. Cố Vấn Hành Quân     1/5/72 – 19/7/72       Tr/Tá H.E. Johnson, USA
                                  20/7/72 – 18/8/72        Th/Tá B.E. Dishman, USA
                                19/8/72 – 12/3/73        Th/Tá D.H. Campbell, USA
b. Cố Vấn Biệt Hải 1/5/72 – 10/11/72      Th/Tá (HQ) C.E. Dorman, USN
c. Cố Vấn Không Yểm   1/5/72 – 20/11/72        Th/Tá D.D. Patton, USAF
                                   21/11/72 – 12/3/73      Th/Tá F.E. Sparks, USAF
d. Cố Vấn Kế Hoạch     1/5/72 – 24/7/72          Th/Tá B.E. Dishman, USA
                                25/7/72 – 30/11/72      Th/Tá D.H. Campbell, USA
                                    1/12/72 – 12/3/73        Th/Tá M.E. Ekman, USA
e. Cố Vấn Tâm Lý Chiến   1/5/72 – 28/8/72   Th/Tá J.D. Skidmore, USA
f. Cố Vấn Huấn Luyện       1/5/72 – 5/6/72            Đ/Úy J.F. Hollis, USA
                                    18/6/72 – 30/11/72      Đ/Úy H.A. Lawson, USA
g. Sĩ Quan Liên Lạc       1/12/72 – 7/2/73          Đ/Úy H.A. Lawson, USA
                                     1/12/72 – 28/12/72      Đ/Úy J.S. Jenkins, USA
6. Cố Vấn Trưởng Tiếp Vận 1/5/72 – 25/11/72     Tr/Tá O.T. Hrncir, USA
                                   26/11/72 – 12/3/73      Tr/Tá W.E. Whelan, USA
7. Trưởng Ban Tiếp Vận  1/5/72 – 4/3/73            Th/Tá E.M. Nikazy, USA
8. Cố Vấn Truyền Tin (Liên Lạc)  1/5/72 – 30/11/72 Th/Tá E.N. Dunn, USA
9.Cố Vấn Tài Chánh (Ngân Khoản)1/11/72–10/11/72 Th/Tá(HQ)G.J. Muller, USN
                                   11/11/72 – 13/3/73      Th/Tá(HQ) P.J. Hephner
10. Cố Vấn Trưởng LSAD   1/5/72 – 5/6/72  Tr/Tá A.E. Underwood, USA
                                      6/6/72 – 12/8/72          Th/Tá C. Ferns, USA
                                     13/8/72 – 30/11/72      Th/tá M.E. Ekman, USA
11. Cố Vấn Trưởng SMSAD1/5/72 – 10/7/72 Th/Tá A.H. Blackstone, USA
                                      11/7/72 – 30/11/72      Tr/Tá C. Johnson, USA
12. Cố Vấn Trưởng TCAD  1/5/72 – 20/7/72          Th/Tá M. Darling, USA
                                     21/7/72 – 15/11/72      Th/Tá J. Hamilton, USA
13. Chỉ Huy CRF     1/8/72 – 31/10/72        Đ/Úy (HQ) J.E. Klinger, USN
14. Chỉ Huy SMF           1/8/72 – 12/3/73          Th/Tá E.M. Roper, USA
15. Cố Vấn Trưởng Đoàn 68 AE 1/5/72 – 30/9/72 Th/Tá M.D. Eiland, USA
                                  1/10/72 – 25/11/72      Th/Tá J. Maisano, USA

DANH HIỆU VIẾT TẮT
ARC LIGHT              Nickname for B-52 Strategic Bomber Strikes
ARVN                        Army of the Republic of Vietnam
AE                               Advisory Elements
CRF                            Coastal Recovery Force
CSS                             Coastal Security Services
DMZ                           Demilitarized Zone
DRV                           Democratic Republic of Vietnam
HOUSE 50                 Logistical Support Center located at Number 50 Plantation Road
JGS                             Joint General Staff/Republic of Vietnam Armed Forces
LS                               Liaison Service
LSAD                         Liaison Service Advisory Detachment
MR                              Military Region
MACV                        Military Assistance Command, Vietnam
MACDO                     Director of Operations, Military Assistance Command
MACDI                      Director of Intelligence, Military Assistance Command
NDP                            Night Defensive Position
NVA                           North Vietnamese Army
RT                               Reconnaissance Team
STD                             Strategic Technical Directorate
STDAT-158                Strategic Technical Directorate Assistance Team-158
SB                               Special Branch
SCU                            Special Commando Unit
SMS                            Special Mission Service
SMSAD                      Special Mission Service Advisory Detachment
SMF                            Special Mission Force
SES                             Special Exploitation Service
SOG                            Studies and Observation Group
STS                             Strategic Technical Service
STT                             Special Training Team
SCT                             Sea Commando Team
SEAL’s                       US Navy Sea Air Land Team
TAOR                                     Tactical Area of Operational Responsibility
TC                               Training Center
TCAD                                     Training Center Advisory Detachment
UW                             Unconventional Warfare

CHƯƠNG 1

GIỚI THIỆU

I. NHA KỸ THUẬT (STD)


1. NHIỆM VỤ
Chỉ huy, điều hành, xử dụng các đơn vị, nhân viên trực thuộc trong các hoạt động, hành quân  đặc biệt, thực hiện chiến tranh ngoại lệ theo lệnh Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH (JGS/RVNAF).

2. NGUYÊN NHÂN
Do sự gia tăng các hoạt động của công sản trong lãnh thổ VNCH sau hiệp định Geneve năm 1954. Một dịch vụ (cơ quan, đơn vị) bí mật, đặc biệt được thành lập năm 1958 dưới quyền điều hành trực tiếp của Tổng Thống VNCH. Nhiệm vụ của cơ quan bí mật này, thâu thập tin tức tình báo về các hoạt động của cộng sản nơi hướng bắc vùng phi quân sự (DMZ), và dò tìm những mục tiêu chiến lược của đối phương để tiêu hủy, trong trường hợp có cuộc xung đột giữa hai miền nam, bắc. Đến năm 1963, cơ quan bí mật này đổi danh hiệu Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
Đơn vị tiền thân của Nha Kỹ Thuật được tổ chức nằm trong “Phòng Đặc Biệt (SB)” trực thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Phòng Đặc Biệt bao gồm hai “Ban (Sections)”. Một ban (quốc nội) điều hành mấy “Căn Cứ (Sites)” trong nội điạ miền nam Việt Nam. Những căn cứ này ở Saigon đảm nhiệm các chuyển thả dù quân biệt kích xâm nhập, tiếp tế ra miền Bắc, ở Huế lo các chuyến xâm nhập qua vùng phi quân sự (DMZ), và ở Đà Nẵng cho các hoạt động Biệt Hải. Ban thứ hai đảm trách các “Văn Phòng” ở ngoại quốc: Vạn Tượng (Vientiane, Lào), Savannakhet (Lào), Bangkok (Thái Lan), và Paris (Pháp). Phòng “Quốc Ngoại” cần nhiều ngân khoản, huấn luyện điệp viên… cuối cùng phải loại bỏ.
Đến năm 1964, tình hình miền Nam Việt Nam trở nên rối ren, phòng Đặc Biệt không thể chu toàn nhu cầu gia tăng loại “Hành Quân Đặc Biệt”. Cũng vì thế phòng Đặc Biệt tái tổ chức thành một đơn vị độc lập, ra khỏi Lực Lượng Đặc Biệt. Trong tháng Tư năm 1964, phòng Đặc Biệt chính thức trở nên Dịch Vụ (Sở) Khai Thác Đặc Biệt (SES), đặt dưới quyền chỉ huy của bộ Tổng Tham Mưu. Song song với việc thành lập SES, quân đội Hoa Kỳ thành lập đơn vị Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG). Đơn vị SOG có nhiệm vụ yểm trợ đơn vị SES thực hiện các loại hành quân đặc biệt trong chiến tranh ngoại lệ.
Đơn vị SES được tổ chức có bộ chỉ huy trong Saigon, sở Phòng Vệ Duyên Hải (CSS) ngoài Đà Nẵng, căn cứ huấn luyện biệt kích ở Long Thành, và một đơn vị Không Quân biệt phái. Nhiều phi hành đoàn làm việc với Đệ Nhất phi đoàn (First Flight) của đơn vị SOG ở Nha Trang.
Trong những tháng cuối năm 1964, quân đội Bắc Việt gia tăng mức độ xâm nhập người, vũ khí, đồ trang bị, tiếp vận vào miền nam trên đường mòn HCM. Để chống lại, đơn vị SES cũng gia tăng trong đầu năm 1965. Từ lúc mới thành lập (Tháng 4/1964), sở Liên Lạc (LS – Liaison Service) được sự chấp thuận của bộ Tổng Tham Mưu, tổ chức các chuyến xâm nhập dò thám trên đất Lào và Cambodia. Sở Liên Lạc được đặt dưới sự chỉ huy, điều hành của sở Khai Thác (SES) trong tháng Giêng 1965. Sau đó sở Khai Thác đổi tên thành sở Kỹ Thuật (STS). Lần đầu tiên, một đơn vị được bộ Tổng Tham Mưu trao trách nhiệm tổ chức các cuộc hành quân loại chiến tranh ngoại lệ, chống lại sự xâm nhập từ miền bắc.
Đến tháng Chín năm 1967, sở Kỹ Thuật đã phát triển nhanh chóng nên được nâng cấp thành Nha Kỹ Thuật (STD). Vị Giám Đốc (cấp chỉ huy) Nha Kỹ Thuật làm việc, nhận lệnh trực tiếp từ Tổng Tham Mưu Trưởng QL\VNCH. Lúc bấy giờ, Nha Kỹ Thuật bao gồm các đơn vị trực thuộc: sở Liên Lạc, sở Phòng Vệ Duyên Hải, lực lượng Đặc Nhiệm (quân biệt kích), trung tâm huấn luyện, và một ban Liên Lạc, Phối Hợp (với đơn vị SOG). Cũng theo đà phát triển, sở Tâm Lý Chiến (đài Gươm Thiêng Ái Quốc, Cờ Đỏ…) hoạt động tích cực.
Vào giữa năm 1970, liên đoàn 5 LLĐB/HK về Mỹ, Nha Kỹ Thuật lấy thêm quân LLĐB/VN (LLĐB/VN giải tán), thành lập sở Công Tác (SMS).

3. TỔ CHỨC
Nha Kỹ Thuật được tổ chức với hai đơn vị nồng cốt, sở Liên Lạc và sở Công Tác. Sở Liên Lạc được trao nhiệm vụ tổ chức các cuộc hành quân xâm nhập vào đất Cambodia (Miên) và miền nam Việt Nam từ khu vực Tam Biên (Việt, Miên, Lào) trở xuống. Sở Công Tác đảm trách các hoạt động trên đất Lào và khu vực phiá bắc, nam Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo, các toán biệt kích sở Liên Lạc, Công Tác (Lôi Hổ) được huấn luyện kỹ thuật gắn máy nghe lén điện thoại, bắt sống tù binh, đặt mìn trên đường mòn HCM, điều khiển phi cơ, pháo binh tác xạ, oanh kích các mục tiêu quan trọng của địch.
Sở Liên Lạc được tổ chức với ba (3) chiến đoàn xung kích cùng với các bộ phận yểm trợ. Khả năng của sở Liên Lạc yếu đi kể từ tháng Năm 1972 trở đi (Người Hoa Kỳ rút quân, đơn vị SOG giải tán). Đơn vị biệt kích người dân tộc (Thượng - SCU), các đại đội Thám Sát, An Ninh giải tán (người Hoa Kỳ không trả lương nữa).
Sở Công Tác được cho phép thành lập với năm (5) đoàn công tác, nhưng chỉ thực hiện được bốn (4). Các toán biệt kích sở Công Tác được tổ chức tương tự như các toán ‘A’ Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, để tổ chức “Chiến Tranh Ngoại Lệ” nơi miền Bắc và trên đất Lào.
Nha Kỹ Thuật đón nhận thêm hai đơn vị “Đặc Biệt”, đoàn 11 ngoài Đà Nẵng và đoàn 68 trong Saigon. Đoàn 11 có chin (9) toán biệt kích, mỗi toán 12 quân nhân STRATA (Do Thám Ngắn Hạn, Tìm Mục Tiêu). Các toán biệt kích STRATA được huấn luyện do thám đường mòn, gắn máy nghe lén điện thoại, thám sát căn cứ, tìm mục tiêu cho không lực Hoa Kỳ oanh kích (các toán biệt kích STRATA thường xâm nhập vào miền bắc lên đến vĩ tuyến 20). Đoàn 68 trong Saigon đảm nhận hai nhiệm vụ “gián điệp”. Chương trình Earth Angel xử dụng lính Bắc Việt hồi chánh, lập thành toán 3 hay 4 người, chuyên lấy tin tức. Những người lính Bắc Việt này đã được chọn lọc, tuyển mộ từ các trung tâm Chiêu Hồi, họ phải qua kỳ thử nghiệm máy dò sự thật (polygraph) trước khi được nhận vào chương trình. Chương trình Pike Hill xử dụng người gốc Khmer (Miên) để lấy tin tức. Họ cũng lập thành toán tử 3 đến 5 người, trở về “nằm vùng” trên đất Miên. Để bảo mật, đoàn 68 có “văn phòng” trong Saigon, các toán nằm rải rác, được huấn luyện trong trung tâm huấn luyện Yên Thế gần Long Thành.



4. HOẠT ĐỘNG, KHẢ NĂNG

Cho đến đầu năm 1972, Nha Kỹ Thuật đảm trách các chuyến hành quân xâm nhập ngoại biên (Lào, Miên), tuy nhiên sau trận tấn công mùa xuân 1972 (tháng 4, 1972), Nha Kỹ Thuật được lệnh, đổi hướng hoạt động về trong nội điạ miền nam Việt Nam. Nhiệm vụ vẫn thâu thập tin tức tình báo chiến lược cho các vùng chiến thuật. Việc thay đổi này còn đáp ứng với khả năng không trợ của Nha Kỹ Thuật, lúc đó sự yểm trợ của Hoa Kỳ đã giảm sút rất nhiều, kể cả phi đoàn trực thăng Kingbee 219 (Hoa Kỳ trả lương). Chuyện này làm cho Nha Kỹ Thuật mất đi khả năng hoạt động độc lập, tổ chức các chuyến hành quân vượt biên sang Lào và Cambodia, thâu thập tin tức tình báo cho cơ quan MACV và bộ TTM/QLVNCH. Các toán biệt kích Lôi Hổ thuộc sở Liên Lạc, sở Công Tác đã thực hiện hơn 200 chuyến hành quân xâm nhập, lấy tin tức tình báo, dò tìm mục tiêu cho Không Quân Việt Nam oanh kích trên các vùng chiến thuật, và vẫn sẵn sàng vượt biên trở lại ra miền Bắc hoặc sang Lào, Cambodia khi có lệnh.








II. TOÁN CỐ VẤN NHA KỸ THUẬT (STDAT-158)

1. NGUYÊN NHÂN, NHIỆM VỤ

Đơn vị Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV-SOG) ngưng hoạt động ngày 30 tháng Tư năm 1972, sau khi đã xây dựng, trợ giúp Nha Kỹ Thuật trưởng thành, vững mạnh trong hai năm qua. Để thay thế đơn vị SOG, một ban cố vấn hỗn hợp được thành lập gồm những nhân viên, quân nhân còn lại của đơn vị SOG. Ban cố vấn mới, danh hiệu “Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158” (STDAT-158) gồm có: 152 quân nhân Lục Quân, 6 Hải Quân, và 2 Không quân. Ban cố vấn 158 được thành lập bí mật do sắc lệnh ngày 30 tháng Tư năm 1972, với chữ ký của Tham Mưu Trưởng cơ quan MACV.

Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158 bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1 tháng Năm 1972 với nhiệm vụ cố vấn, trợ giúp, cung cấp giới hạn tài khoản, vật liệu cho Nha Kỹ Thuật. Với khả năng giới hạn, toán Cố Vấn 158 góp ý trong việc soạn thảo kế hoạch, chương trình chiến tranh ngoại lệ và giữ vai trò liên lạc giữa NKT với cơ quan MACV về tin tức tình báo chiến lược. Toán Cố Vấn 158 cũng được lệnh báo cáo với trưởng phòng 2 (Tình Báo) và 3 (Hành Quân) cơ quan MACV (sau này thâu nhỏ thành (MAC DI, DO) về các hoạt động của Nha Kỹ Thuật.

Ngoài nhiệm vụ cố vấn, sau này toán Cố Vấn 158 được lệnh tổ chức, thành lập, điều hành, trang bị, huấn luyện đơn vị Đơn Vị Đặc Nhiệm (SMF) và Đơn Vị Thâu Hồi Vùng Biển (CRF). Cho đến giữa tháng Mười Một năm 1972, toán cố vấn 158 vẫn có nhân viên làm việc trong các căn cứ của Nha Kỹ Thuật. Cơ quan MACV ra lệnh rút bớt quân, tái tổ chức toán Cố Vấn 158 chỉ còn lại 42 quân nhân Lục Quân, 1 Hải Quân và 1 Không Quân. Kể từ ngày 1 tháng Mười Hai năm 1972, toán Cố Vấn 158 tiếp tục vai trò cố vấn, trợ giúp cho Nha Kỹ Thuật, tuy nhiên khả năng giảm xuống nhiều. Toán Cố Vấn được lệnh, tận dụng năng lực thực hiện những điều sau:

1.      Soạn thảo, phối hợp việc “giảm quân” của chính đơn vị (STDAT-158)

2.      Hoàn thành trách nhiệm để Nha Kỹ Thuật có thể đảm nhận mọi hoạt động, hành quân cũng như tiếp vận.

3.      Phát triển hai đơn vị Đơn Vị Đặc Nhiệm (SMF), Thâu Hồi Vùng Biển (CRF) để có thể sẵn sàng hành quân.

4.      Thi hành lệnh từ vị Tham Mưu Trưởng cơ quan MACV, do sự yêu cầu khẩn cấp của vị Cố Vấn Trưởng Quân Đoàn II, thành lập một toán huấn luyện đặc biệt và toán Cố Vấn 158 phải yểm trợ trong việc huấn luyện một số đơn vị VNCH (các đại đội Trinh Sát) kỹ thuật Viễn Thám, Biệt Động Quân, để các đơn vị này có thể tấn công sâu vào hậu phương của địch.

Vấn đề khó khăn nhất trong vai trò cố vấn, toán Cố Vấn 158 gặp phải là việc xử dụng Nha Kỹ Thuật (các vùng chiến thuật VNCH). Trận tấn công tháng Tư 1972, làm thay đổi quan niệm việc xử dụng các toán biệt kích Lôi Hổ trong việc thâu thập tin tức tình báo chiến lược. Trong tháng Tư năm 1972, các bộ tư lệnh vùng I, II, III, và Biệt Khu Thủ Đô được quyền xử dụng các toán biệt kích Nha Kỹ Thuật trong vùng trách nhiệm như một đơn vị trực thuộc. Tiếp theo, phi đoàn trực thăng 219 Kingbee trở về Không Quân (người Hoa Kỳ không tài trợ nữa) trong tháng Năm 1972 làm suy yếu khả năng không trợ, lúc đó Nha Kỹ Thuật hoàn toàn nhờ vào khả năng không trợ của cấp quân đoàn.

Việc trực thuộc quân đoàn thay đổi nhiệm vụ (thâu hẹp) của Nha Kỹ Thuật, lấy tin tức tình báo tác chiến (chiến thuật) thay vì chiến lược như trước. Đến tháng Mười năm 1972, tình hình quân sự phiá VNCH đã ổn định, các vùng chiến thuật mới đem vấn đề “tình báo chiến lược” trở lại. Đến giữa tháng Mười Một, Không Quân VNCH được lệnh cung cấp thêm vấn đề không trợ trên các vùng chiến thuật và các toán biệt kích Lôi Hổ đã thực hiện được 10 chuyến hành quân vượt biên, trong thời gian bản báo cáo đang được biên soạn.

Theo lệnh Tổng Thống Hoa Kỳ, chấm dứt tất cả các hoạt động chống lại chính quyền Hà Nội (hiệp định ngừng bắn Paris sắp được ký kết), ngày 15 tháng Giêng năm 1973, toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158 được lệnh chấm dứt các hoạt động chống lại Bắc Việt. Ngày 28 tháng Giêng 1973, hiệp định ngừng bắn Paris có hiệu lực, toán Cố Vấn 158 chuẩn bị bàn giao kho tiếp vận (House 50) cho Nha Kỹ Thuật, đến ngày 12 tháng Ba năm 1973, toán Cố Vấn 158 chấm dứt (giải tán).

(Phần thêm vào): Ngày 9 tháng Hai năm 1973, cấp chỉ huy toán cố vấn họp với vị chỉ huy cơ quan MACV và vị Tổng TMT QLVNCH bàn về ảnh hưởng việc giải tán toán Cố Vấn 158 đối với Nha Kỹ Thuật. Những “vấn đề” sau đây được nhận diện và bàn luận:

1.      Mọi tài khoản yểm trợ Nha Kỹ Thuật trong hành quân đặc biệt, chiến tranh ngoại lệ sẽ chấm dứt. Đoàn 68 sẽ giải tán. Biệt kích Earth Angels giải tán. Điệp viên Pike Hill sẽ chuyển sang QLVNCH. Phần còn lại tùy thuộc NKT

2.      Không yểm (đã bị giới hạn) cho NKT sẽ chấm dứt.

3.      Quyền xử dụng không ảnh của NKT để soạn thảo hành quân xâm nhập qua phòng 2 MACV sẽ chấm dứt.

4.      Nha Kỹ Thuật được bàn giao kho tiếp liệu có sẵn của đơn vị SOG. STD không được cung cấp thêm đồ tiếp vận đặc biệt. SOG dự trù NKT có thể xử dụng kho tiếp vận khoảng một năm.

Buổi họp tập trung vào việc trả lại NKT nhiệm vụ ban đầu, thâu thập tin tức tình báo chiến lược. Vị Tổng TMT QLVNCH nói rằng, phi đoàn trực thăng 219 Kingbee sẽ được dành riêng yểm trợ các toán biệt kích Lôi Hổ. Sau cùng vị Tổng TMT QLVNCH được thông báo sẽ chấm dứt vai trò của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, mọi liên lạc sẽ do cơ quan DAO (Phòng Tùy Viên Quân Sự) đảm trách.



CHƯƠNG 2

PHÒNG QUẢN TRỊ HÀNH CHÁNH, NHÂN VIÊN

1. TỔNG QUÁT

Trong thời gian từ 1 tháng Năm 1972 đến 30 tháng Mười Một 1972, phòng Quản Trị Hành Chánh, Nhân Viên tiếp tục trông nom, điều hành vấn đề hành chánh cho toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158, và hỗ trợ phòng nhân viên Nha Kỹ Thuật (lãnh tiền công tác do Hoa Kỳ đài thọ).

Bắt đầu từ ngày 1 tháng Mười Hai 1972, nhiệm vụ phòng Quản Trị Hành Chánh, Nhân Viên do Sĩ Quan Điều Hành (Executive Officer) đảm trách (phòng giải tán).

2. TỔ CHỨC

Tổng Quát: Trong thời gian kể trên, phòng Quản Trị Hành Chánh, Nhân Viên chia ra làm hai ban: ban Hành Chánh Nhân Viên và ban Phân Loại và Hồ Sơ. Phòng này có 1 sĩ quan và bốn binh sĩ làm việc.

Ban Hành Chánh Nhân Viên: Ban này có nhiệm vụ:

1.      Đề nghị, chuẩn bị và phân phát cho nhân viên trong toán Cố Vấn 158 giấy tờ hành chánh, thủ tục dựa theo lệnh cấp chỉ huy.

2.      Lập bản báo cáo mỗi buổi sáng về vấn đề nhân viên, gửi cho Nhóm Cố Vấn Lục Quân (cấp cao hơn).

3.      Đón nhận, thuyên chuyển (bổ sung) nhân viên theo thủ tục hành chánh.

4.      Theo dõi vấn đề quản trị nhân viên theo luật lao động chính quyền điạ phương.

5.      Hoàn tất thủ tục hành chánh cho nhân viên, được huy chương, bằng khen, gia hạn thời gian phục vụ, đi phép, báo cáo tổn thất…

6.      Hoàn tất hồ sơ, yêu cầu của nhân viên về thời gian phục vụ, trường hợp khẩn cấp, phép thường niên cho quân nhân trong toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật (STDAT-158)

7.      Phát hành bản tin cho toán cố vấn 158

8.      Trông nom thư viện, sách báo quân sự.

9.      Trợ giúp phòng Nhân Viên Nha Kỹ Thuật.

Ban Phân Loại, Hồ Sơ: Ban này đảm trách các nhiệm vụ sau đây:

1.      Huớng dẫn cách thức phân loại hồ sơ, trách nhiệm và kiểm soát cho nhân viên.

2.      Trông nom các bản báo cáo của ban Cố Vấn Nha Kỹ Thuật

3.      Đảm nhận vai trò trung tâm phân phối các công điện đi và đến.

4.      Đảm nhận vai trò theo dõi, kiểm soát, thủ tục xử dụng hồ sơ mật.

5.      Kiểm soát, phối hợp hệ thống chuyển giao công điện, giấy tờ an toàn (tin cậy)



3. CÁC SỰ KIỆN QUAN TRỌNG, THÀNH QUẢ

Những sự kiện và thành qủa sau đây xẩy ra trong khoảng thời gian từ 1 tháng Năm 1972 đến 1 tháng Mười Hai năm 1972.

1.      Trong thời gian kể trên, những chuyến thăm viếng, liên lạc với phòng nhân viên Nha Kỹ Thuật cho biết, phòng nhân viên NKT gặp khó khăn trong vấn đề thiếu nhân viên làm việc hành chánh. Điều này đã được ghi nhận để bổ xung vấn đề nhân viên.

2.      Ngày 1 tháng Năm 1972, đơn vị MACV-SOG tái tổ chức trở nên toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật 158 (STDAT-158). Việc này làm thay đổi một vài thủ tục hành chánh như: sơ đồ tổ chức mới, danh xưng trên giấy tờ…

3.      Mười nhân viên quan trọng trong toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật tử nạn trên chuyến bay của hãng hàng không China Airlines, bị rơi ngày 5 tháng Sáu năm 1972. Phòng nhân viên phải lo thủ tục giấy tờ cho vụ tai nạn trên (báo cáo tổn thất, thư chia buồn cho gia đình các nạn nhân…). Việc này phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan MACV và USARV.

4.      Các vụ giảm quân trong tháng Năm, tháng Mười gia tăng công việc cho phòng nhân viên.

5.      Trong tháng Mười Một, ban Phân Loại, Hồ Sơ chuyển qua, đặt dưới quyền điều hành của  phòng Hoạt Động/Tình Báo. Bắt đầu từ ngày 17 tháng Mười Một, sĩ quan Điều Hành (Executive Officer) được báo cáo, thuyết trình về công việc, nhiệm vụ của ban nhân viên và ngày 1 tháng Mười Hai, ban nhân viên đặt dưới quyền điều hành của sĩ quan Điều Hành.

Thống kê: Trong thời gian từ 1 tháng Năm đến 30 tháng Mười Một năm 1972, phòng Quản Trị Hành Chánh, Nhân Viên đã hoàn tất 97.270 giấy tờ, 749 tài liệu mật, tối mật và 41.000 trang giấy cho các hoạt động của toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật. Phòng nhân viên cũng lo giấy tờ cho 227 huy chương, 69 huy chương ngoại quốc, 847 hành động cá nhân, phát hành 58 lệnh hành quân, và lưu trữ 968 hồ sơ cá nhân. Đến 1 tháng Mười Hai 1972, ban Phân Loại, Hồ Sơ đã lưu trữ 1.546 hồ sơ mật, tối mật.



CHƯƠNG 3

PHÒNG CỐ VẤN TÌNH BÁO

1. TỔNG QUÁT

Trong thời gian từ 1 tháng Năm đến 1 tháng Mười Hai năm 1972, phòng Cố Vấn Tình Báo được tổ chức để trợ giúp phòng 2 Nha Kỹ Thuật về tình báo. Đến tháng Mười Hai năm 1972, Nha Kỹ Thuật đã có thể gánh vác mọi công việc phân tích, kỹ thuật tình báo cho các hoạt động, hành quân xâm nhập.

2. TỔ CHỨC

Từ 1 tháng Năm 1972 cho đến khi ngừng hoạt động ngày 1 tháng Mười Hai 1972, phòng Cố Vấn Tình Báo chia thành ba ban: ban Dấu Hiệu Hiện Tại (CI), Giải Đoán (Không) Ảnh (PI), và Xử Dụng Dữ Kiện Tình Báo (IDHS).

Vị cố vấn trưởng, phòng Cố Vấn Tình Báo có nhiệm vụ cố vấn cho Nha Kỹ Thuật về tất cả mọi vấn đề liên quan đến tình báo, bao gồm: đánh dấu mục tiêu, quản lý dụng cụ, đồ trang bị, tiếp vận, và thủ tục báo cáo. Là một sĩ quan quân báo, ông ta thêm trách nhiệm an ninh trong toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật (STDAT-158).

Viên cố vấn ban Dấu Hiệu Hiện Tại là sĩ quan quân báo trong phòng Cố Vấn Tình Báo, có nhiệm vụ theo dõi tinh hình đang xẩy ra (về mặt tình báo) trong vùng Đông Nam Á. Một mặt, cố vấn cho Nha Kỹ Thuật, giải đoán tin tức tình báo, tìm kiếm mục tiêu, và cố vấn cho những điều kiện về ngành tình báo. Ông ta điều khiển các hoạt động thâu thập tin tức tình báo trong các hành quân xâm nhập Phù Dung (Lào) và Thốt Nốt (Miên). Khu vực dành cho hành quân Phù Dung bao gồm các hoạt động trên đất Lào và phiá bắc miền nam Việt Nam từ khu vực tam biên trở ra. Trong khi hành quân Thốt Nốt bao gồm các hoạt động trên đất Miên và miền nam Việt Nam từ khu vực tam biên trở xuống.

Ban Giải Đoán (Không) Ảnh, trợ giúp Nha Kỹ Thuật giải đoán tin tức tình báo từ hình ảnh, kỹ thuật, trông coi phòng tráng phim ảnh. Ban Giải Đoán (Không) Ảnh cung cấp hình ảnh mục tiêu, phụ giúp trong việc soạn thảo, chuẩn bị hành quân xâm nhập.

Viên cố vấn trong ban Xữ Dụng Dữ Kiện Tình Báo (IDHS) điều hành một ban hỗn hợp Việt/Mỹ soạn thảo, lưu trữ dữ kiện tình báo trong máy điện toán (computer) dành cho các hoạt động của Nha Kỹ Thuật. Những dữ kiện này được in ra, một phần trong ‘gói’ mục tiêu cho các chuyến hành quân xâm nhập của Nha Kỹ Thuật.

3. CÁC HOẠT DỘNG QUAN TRỌNG, THÀNH QUẢ

1. TỔNG QUÁT: Các hoạt động thâu thập tin tức tình báo của Nha Kỹ Thuật và toán cố vấn STDAT thay đổi nhiều so trận tấn công của quân đội Bắc Việt tháng Tư năm 1972 (Người Hoa Kỳ gọi là Trận Tấn Công Lễ Phục Sinh, người Việt gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa). Điều hiển nhiên, mọi nỗ lực được xử dụng chống lại trận tấn công này. Các chuyến hành quân ngoại biên của Nha Kỹ Thuật đều được đổi hướng về nội điạ miền nam Việt Nam, yểm trợ cho các vùng chiến thuật. Suốt mùa hè và mùa thu năm 1972, các đơn vị Nha Kỹ Thuật đặt dưới quyền chỉ huy các vị tư lệnh quân đoàn. Điều này làm cho sĩ quan tình báo (S2) ít việc làm, tuy nhiên với nhiệm vụ mới, Nha Kỹ Thuật lập thêm ban tình báo nội điạ, ngoài hai ban đã có từ trước, thâu thập tin tức tình báo cho hai khu vực hành quân Phù Dung (Lào), Thốt Nốt (Miên).

2. CÁC HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT: Ngày 21 tháng Năm 1972, Tổng TMT QLVNCH và vị Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ Vùng Thái Bình Duơng (CINCPAC) ra lệnh cho toán cố vấn Nha Kỹ Thuật soạn thảo một chương trình cho các hoạt động đặc biệt. Tin tức sẽ do phòng Cố Vấn Tình Báo cung cấp. Để thỏa mãn nhu cầu, phòng cố vấn tình báo cần sự trợ giúp ở cấp cao hơn. Công điện yêu cầu gửi Phòng Tình Báo cơ quan MACV (MACDI) ngày 1 tháng Sáu năm 1972, đánh dấu sự thành công, thắng lợi trong việc cộng tác, phối hợp với Trung Tâm Tình Báo Hỗn Hợp, tại Việt Nam (CICV). Với sự hướng dẫn của phòng Tình Báo, CICV phân tích ra chin loại mục tiêu căn bản, sau đó phòng Tình Báo điều chỉnh lại dựa trên kinh nghiệm chiến tranh ngoại lệ. Tổng kết, cơ quan CICV soạn ra 21 mục tiêu cho Nha Kỹ Thuật cùng toán cố vấn xử dụng. Tất cả các mục tiêu đều được phòng Tình Báo sửa chữa, điều chỉnh hàng ngày, các hình (không) ảnh được giải đoán, phân tích mục tiêu cùng khu vực xung quanh, nghiên cứu và quan niệm hành quân được đưa ra.

Yểm Trợ Quân Đoàn I: Trong tháng Năm 1972, sở Công Tác (SMS) đặt dưới quyền chỉ huy Quân Đoàn I. Để dễ làm việc, sở Công Tác lập bộ chỉ huy tiền phương ở Huế, được Nha Kỹ Thuật tăng cường thêm một bộ phận từ BCH/NKT và sự trợ giúp của toán Cố Vấn STDAT. Ngày 25 tháng Năm, phòng Tình Báo gửi ra Huế hai nhân viên cùng với bộ phận tình báo Nha Kỹ Thuật. Toán tình báo Nha Kỹ Thuật phối hợp với các đơn vị bạn trên vùng I chiến thuật. Toán Tình Báo cố vấn cho QĐ I về khả năng cũng như giới hạn của những toán biệt kích sở Công Tác để họ xử dụng hiệu quả.

Hành Quân Thốt Nốt (Miên): Tìm mục tiêu trong khu vực hành quân Thốt Nốt được phòng Tình Báo nhận diện, đánh dấu từng mục tiêu. Vào cuối tháng Tám, Nha Kỹ Thuật sửa lại chương trình hành quân trên đất Cambodia, phòng Tình Báo đưa bốn “điểm” cho mục tiêu trong khu vực căn cứ điạ 354 của địch (nơi phiá bắc khu vực Mỏ Vẹt Parrot’s Beak trên đất Miên). Bốn “điểm” bao gồm không ảnh bãi đáp cho toán biệt kích xâm nhập, đường triệt xuất (khuyến cáo, recommend), đường mòn, và khu vực tình nghi có kho tiếp vận của địch. Phòng Tình Báo đề nghị cho bốn toán biệt kích Lôi Hổ (sở Liên Lạc) xâm nhập vào thám sát căn cứ điạ 354 tại bốn tọa độ cách biệt để lấy tin tức đem về. Nha Kỹ Thuật xử dụng ba (3) toán biệt kích, một toán xâm nhập vào vị trí (tọa độ) thứ tư bao gồm bãi đáp cho trực thăng vào triệt xuất (đem các toán biệt kích Lôi Hổ về).

Các toán Lôi Hổ được trực thăng Việt-Mỹ đưa vào khu vực xâm nhập đêm 2 tháng Chín năm 1972. Các toán biệt kích báo cáo, có nhiều dấu hiệu hoạt động của địch (chuyển quân, tiếp vận) trong khu vực căn cứ điạ 354 và xác nhận quân đội Bắc Việt xử dụng đường (mòn) di chuyển quân dụng, đồ tiếp vận. Các toán biệt kích được triệt xuất đưa về căn cứ ngày 12 tháng Chín, sau đó căn cứ điạ 354 bị 35 phi vụ B-52 (ARC LIGHT) thả bom. Mười sáu (16) trong số 35 phi vụ trên tọa độ do các toán biệt kích Lôi Hổ đem về. Nha Kỹ Thuật cùng toán cố vấn giải đoán tin tức nhanh chóng, cơ quan MACV đã phản ứng tức thời trên các mục tiêu của địch. Các bản báo cáo vào cuối tháng Mười Một cho biết, quân đội Bắc Việt/VC bị tổn thất nặng về nhân mạng, hai căn cứ huấn luyện Đặc Công vị phá hủy do các trận B-52 thả bom.

Phấn khởi sau chuyến xâm nhập căn cứ điạ 354, phòng Tình Báo soạn thảo một quan niệm tình báo khác cũng như mục tiêu trên đất Cambodia vào cuối tháng Chín. “Gói” tình báo này bao gồm ba mục tiêu trong khu vực Stung Treng và Siem Pang. Nha Kỹ Thuật (đoàn 68) sẽ gài vào mỗi mục tiêu một toán biệt kích Pike Hill (người Việt gốc Miên), nằm vùng tử 30 đến 60 ngày. Các toán Pike Hill sẽ nhẩy dù xâm nhập, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ di chuyển bộ lên đến một điểm (tọa độ) trên đất Lào và sẽ được trực thăng đem về. Kế hoạch được duyệt xét, chấp thuận ngày 4 tháng Mười năm 1972 rồi chuyển đến tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Vạn Tượng (Vientiane) cho vị đại sứ xem xét (liên quan đến Lào). Vị đại sứ chấp thuận ngày 31 tháng Mười Hai, tuy nhiên vì thiếu phương tiện không trợ (người Hoa Kỳ rút quân), sau đó là hiệp định ngừng bắn Paris (28/1/1973), chương trình Pike Hill bị bỏ qua.

Phòng Tình Báo soạn thảo một chương trình hoạt động khác trên đất Miên theo sự yêu cầu của phòng Tình Báo cơ quan MACV và cơ quan Tình Báo Hỗn Hợp (CICV). Nhiệm vụ khởi thủy, xác nhận báo cáo về đường dây cáp (cable) gần thị trấn Kratie nối liền Trung Ương Cục Miền Nam (COSVN) với Hà Nội. Kế hoạch này bị tạm thời hoãn lại, trong khi các nỗ lực tìm kiếm đường dây cáp (do các toán biệt kích Lôi Hổ) vẫn được thực hiện. Trong thời gian trì hoãn, khu vực tình nghi bị phi cơ B-52 dội bom (Trung Ương Cục Miền Nam). Sau trận thả bom, nhiệm vụ ban đầu được thay đổi sang “thẩm định kết qủa trận thả bom” (BDA). Nhiệm vụ này cũng bị đình lại cho đến tháng Mười Hai năm 1972, người Hoa Kỳ cần phương tiện phi cơ để rút quân ra khỏi miền nam. Sau đó tất cả đều bị hủy bỏ do lệnh ngừng bắn ngày 28 tháng Giêng 1973.

Trung Tâm Thâu Hồi Nhân Mạng Hỗn Hợp (JPRC): Mặc dầu cơ quan này lấy tin tức tình báo từ phòng Tình Báo MACV, Phòng Tình Báo NKT/STDAT vẫn có nhiệm vụ cung cấp tin tức tình báo hành quân cho Đơn Vị Đặc Nhiệm (SMF) mới thành lập. Đơn vị SMF có nhiệm vụ giải cứu tù binh, thâu hồi tử thi, thám sát khu vực phi cơ bị rơi. Trong thời gian bản báo cáo được viết, một chuyến hành quân cứu tù binh được soạn thảo nhưng không thi hành vì tin tức tình báo cho biết, địch đã di chuyển trại giam giữ tù binh đến một nơi khác bí mật.

Thủ Tục Lưu Trữ Hồ Sơ Tình Báo: Những bản báo cáo về mục tiêu được Nha Kỹ Thuật, toán Cố Vấn xử dụng, tuy nhiên bằng tiếng Anh và một số rất ít (giới hạn) cấp chỉ huy Nha Kỹ Thuật được biết. Trong tháng Sáu năm 1972, để chuẩn bị bàn giao hoàn toàn cho NKT, bản báo cáo hai ngôn ngữ Việt-Mỹ được hoàn thành, Nha Kỹ Thuật hoàn toàn nhận được tin tức tình báo bằng tiếng Việt.

Giải Đoán (Không) Ảnh: Ban Giải Đoán Không Ảnh cung cấp tin tức tình báo, yểm trợ cho việc huấn luyện Đơn Vị Đặc Nhiệm (SMF) trên quân đoàn 2. Những nhu cầu tin tức bao gồm: không thám, chụp ảnh và giải đoán không ảnh về mục tiêu, sự phòng thủ (mục tiêu) của địch. Những không ảnh cùng sự giải đoán cũng được cung cấp cho các toán biệt kích sở Liên Lạc, sở Công Tác Nha Kỹ Thuật. Ban này còn có trách nhiệm trông coi kho (thư viện) bản đồ hành quân. Khi bàn giao cho Nha Kỹ Thuật, kho có hơn 1000 tấm bản đồ.

An Ninh: Trong giai đoạn rút quân, đóng cửa các căn cứ của Hoa Kỳ, vấn đề an ninh được nêu lên hàng đầu. Các toán cố vấn được “thăm viếng”, thanh tra thường xuyên do cơ quan “Phản Gián” MACV. Phòng Tình Báo là điểm liên lạc cho các chuyến thanh tra, đại diện cho toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật trong Ủy Ban Cố Vấn (vấn đề) Phản Gián thuộc cơ quan MACV.

Thuyết Trình Tin Tức Tình Báo: Phòng Tình Báo có nhiệm vụ thuyết trình hàng tuần về tin tức tình báo hiện thời cho sĩ quan cố vấn trưởng và ban tham mưu. Các buổi thuyết trình này đem lại những tin tức tình báo mới nhất, những chuyện đang xẩy ra trong vùng Đông Nam Á.



CHƯƠNG 4

SOẠN THẢO HÀNH QUÂN, HUẤN LUYỆN

1. TỔNG QUÁT

Toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật STDAT-158 được thành lập ngày 1 tháng Năm 1972, một bộ chỉ huy chương trình 30 (Ops-30) có nhiệm vụ theo dõi, phối hợp các hoạt động của toán cố vấn bao gồm: soạn thảo kế hoạch, bổ sung nhân viên, huấn luyện, tâm lý chiến để toán cố vấn trợ giúp Nha Kỹ Thuật thực hiện chiến tranh ngoại lệ, thám sát và các hành quân đặc biệt. Bộ chỉ huy chương trình 30 gửi báo cáo hàng tuần, hàng tháng lên cơ quan MACV và vị Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC) về các hoạt động của toán cố vấn cùng Nha Kỹ Thuật. Thêm vào, bộ chỉ huy chương trình 30 cung cấp liên lạc, theo dõi, phối hợp các hoạt động đơn vị Đơn Vị Đặc Nhiệm (SMF) và (cho đến ngày 31 tháng Mười) Đơn Vị Thâu Hồi Trên Biển (CRF). Chương trình 30, ngoài sĩ quan Lục Quân trách nhiệm soạn thảo, huấn luyện, tâm lý chiến, có thêm một sĩ quan Hải Quân và hai sĩ quan liên lạc Không Quân. Từ tháng Bẩy 1972 đến tháng Mười 1972, ban tâm lý chiến có thêm một sĩ quan từ Đoàn 7 Tâm Lý Chiến đến từ Okinawa.

Chương trình 30 thảo nhiều công điện liên lạc giữa cố vấn trưởng STDAT  và vị Giám Đốc (CHT) Nha Kỹ Thuật về vấn đề hoạt động, cơ cấu tổ chức của Nha Kỹ Thuật. Cho đến ngàý tháng Mười Hai, toán cố vấn STDAT-158 phối hợp không trợ, kể cả các phi vụ ARC LIGHT, B-52 thả bom, làm việc với phòng Hành Quân cơ quan MACV hàng ngày.

2. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH YẾU

Tháng Năm, Sáu 1972: Soạn thảo, phối hợp chương trình theo lệnh CONPLAN 5108 từ vị Tư Lệnh Thái Bình Dương (CINCPAC). Theo dõi, bổ sung nhân sự cho đơn vị bảo vệ đài kiểm báo Golf-5 trên đất Lào.

Tháng Bẩy 1972: Bổ sung nhân viên để tổ chức, thành lập Đơn Vị Hành Quân Đặc Biệt (SMF) và Đơn Vị Thâu Hồi Trên Biển (CRF). Hoàn tất sự phối hợp, liên lạc theo lệnh “Giảm Quân” (Increment 14). Tiếp tục soạn thảo phối hợp theo lệnh CONPLAN 5108. Cung cấp sĩ quan hướng dẫn và nhân viên trong chuyến thăm viếng (học hỏi) của toán Chống Xâm Nhập, Lục Quân Mã Lai.

Tháng Tám, Chín 1972: Tiếp tục công việc soạn thảo, phối hợp, cử nhân viên, sỉ quan liên lạc Không Trợ (ALC) qua thăm căn cứ yểm trợ bên Thái Lan dựa theo CONPLAN 5108. Sắp đặt nhân viên thi hành lệnh CONPLAN 5100. Tổ chức, bổ sung nhân viên thành lập toán huấn luyện đặc biệt (STT).

Tháng Mười, Mười Một 1972: Điều chỉnh lại tổ chức, nhiệm vụ, theo lệnh giảm quân J-14, cấp trên cũng tổ chức lại thành ban Hoạt Động, Tình Báo, quân số từ 15 xuống 7 người. Loại thêm một sĩ quan liên lạc Hải Quân, ban tâm lý chiến. Nghiên cứu các hoạt động thù địch của đối phương sau khi rút hết quân đội Hoa Kỳ.

Tháng Mười Hai 1972: Chính thức tái tổ chức ban Hoạt Động, Tình Báo, di chuyển cơ sở, văn phòng cơ quan, loại bỏ bớt hồ sơ mật. Gánh trách nhiệm trông nom các hồ sơ mật, thư từ, văn thư cho toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật STDAT. Liên lạc với cơ quan Trung Tâm Thâu Hồi Nhân Mạng (JPRC), thảo kế hoạch yểm trợ cơ quan này trong các hoạt động sau hiệp ước ngừng bắn. Soạn thảo kế hoạch chương trình liên lạc với đối tác (các cơ quan VNCH liên hệ).

Tháng Giêng 1973: Theo công điện số 180014Z trong tháng Giêng 1973 của Tham Mưu Trưởng Quân Đội Hoa Kỳ (tại Việt Nam) và công điện số 272139Z của Tư Lệnh Thái Bình Dương, ngưng tất cả các hoạt động đặc biệt, chấm dứt chương trình chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc Việt Nam. Chuẩn bị giải tán toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật trong vòng 45 ngày kể từ ngày hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, ngày 28 tháng Giêng năm 1973. Tiếp tục theo dõi, phối hợp đơn vị Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt (SMF).

Tháng Hai, Ba 1973: Thâu thập, viết lại, sửa chữa lịch sử toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật STDAT, trình lên ban quân sử cơ quan MACV. Tiếp tục theo dõi, phối hợp Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt thám sát vị trí phi cơ lâm nạn cho đến khi đơn vị này giải tán vào ngày 9 tháng Ba năm 1973. Theo đà giảm quân, ban Hành Quân, Tình Báo và toán Cố Vấn Nha Kỹ Thuật chấm dứt nhiệm vụ vào ngày 12 tháng Ba năm 1973.



CHƯƠNG 5

PHÒNG TIẾP VẬN

1. TỔNG QUÁT

No comments:

Post a Comment